Tâm linh tại Miếu Đầm Mễ Trì Điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hà Nội

0
55

Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến có rất nhiều hoạt động cúng bái diễn ra vào dịp lễ hội lớn, tổ chức tại Chùa, Văn Miếu, Đình, Miếu. Tôi có một người anh am hiểu sâu sắc về tâm linh. Một lần, anh khuyên tôi rằng nếu có dịp đến Hà Nội, hãy ghé thăm chùa thật nhiều, nhưng nên hạn chế đến Đình và Miếu. Tôi thắc mắc lý do, và anh gợi ý tôi hai câu thơ:

“Chùa chiền là chốn từ bi,
Hứa rồi quên lãng, tội gì chẳng buôn?”

“Vào miếu lòng phải chân thành,
Chớ gieo lời hứa để mang nghiệp đời.”

Lời khuyên ấy vẫn văng vẳng trong tâm trí, tôi nghe theo anh chỉ đi Chùa. Nhưng sự tò mò về nét đẹp cổ kính, các kiến trúc đặc trưng của Đình, Miếu… sau những chuyến đi du lịch văn hóa cộng đồng cùng với Đình Làng Việt, làm tôi không khỏi tò mò, đặt chân đến nhiều nơi. Trong đó có Miếu Đầm Mễ Trì gần nơi tôi ở, không chỉ là một nơi tâm linh quan trọng trong đời sống cộng đồng của người dân làng Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng mà còn thu hút tôi bởi những câu chuyện kỳ bí được người dân nơi đây kể lại. 

Tâm linh tại Miếu Đẫm Mễ Trì Điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hà Nội

Giờ tôi mới thấm hiểu ý nghĩa tâm linh của những lời thơ trên giữa Việc đi Chùa và Văn Miếu, Đình, Đền. Không chỉ khác nhau về Kiến trúc, Ý nghĩa, hoạt động mà còn khác biệt về bản chất tâm linh, hàm ý nhắc nhở, phản ánh sự khác biệt trong tín ngưỡng của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Tháng 12 năm 2023, tôi đến Miếu Đầm Mễ Trì với tấm lòng chỉ để chiêm ngưỡng cảnh sắc, kiến trúc và thắp một nén nhang cầu bình an. Không mong cầu điều gì xa vời, chuyến thăm ấy để lại trong tôi nhiều xúc cảm đến mức tôi tự nhủ sẽ viết một bài về Miếu Đầm để lưu lại ký ức, thậm chí còn ấp ủ ý định quay lại nơi đây, góp chút công sức nhỏ bé hay đơn giản chỉ để tìm cảm hứng sáng tác. Nhưng rồi vì việc gia đình giữa Bắc và Nam, việc làm giữa Lào và Singapore…mãi đúng gần một năm sau, tôi mới bắt đầu thực hiện lời hứa với chính mình.

Dù chỉ là một lời tự nhủ, nhưng cảm giác nặng nề vẫn đeo bám tôi trong suốt năm 2024. Chùa lấy từ bi của Phật giáo, khoan dung làm trọng tâm nên “hoan hỉ bỏ qua” lỗi lầm và sự giác ngộ, khuyến khích con người nhìn nhận và sửa đổi sai lầm, nhưng Miếu gắn với sự nghiêm minh, công bằng, nên nếu nói/ hứa lời gì thì phải thực hiện, nếu không thần linh sẽ quở trách. 

Các bạn đọc đến đây thì đừng bỏ lỡ việc tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử hình thành Miếu Đầm sau đây nhé.

Câu chuyện về Miếu Đầm – Miếu Quán Đầm hoặc Miếu Đức Thánh Đầm

Tọa lạc tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nếu bạn đi từ hướng Vinhomes WestPoint thì Miếu nằm trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, gần cổng số 5 trên phố Miếu Đầm

Lối vào với hàng cây yên bình trang nghiêm.
Lối vào với hàng cây yên bình trang nghiêm.
Lối đi vào Miếu Đầm

Truyền thuyết kể rằng: Vùng Mễ Trì này trước đây có nhiều hồ đầm, có hai vợ chồng làm nghề đánh cá. Ông bà là người luôn làm việc thiện nhưng lớn tuổi vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, Ông kéo vó trên đầm mãi suốt vẫn không có cá, chỉ có một quả trứng có màu sắc lung linh như ngọc. Ông mang về nuôi, sau 20 ngày, trứng nở ra một con rắn trắng. Ông bà vui mừng nuôi con rắn trắng ấy, chăm sóc như một người con. 

Sau 100 ngày, trời bỗng nỗi giông tố, sấm chớp và mưa to trút ào ào xuống. Ông thấy Rắn bò ra khỏi chum và trườn về phía đầm. Ông chạy theo gọi rắn tha thiết đừng bỏ ông đi. Không thấy rắn trở lại, Ông nghĩ chắc rắn là con vua Thủy Tề đã được Long Vương gọi về nên Ông đau buồn quay về lều cũ. Sáng hôm sau, trời tạnh, ông ra bờ đầm kéo cá. Đứng trên bờ đầm, ông khắn thầm: “Rắn ơi, nếu quả là linh thần hãy phù hộ cho ta kiếm được nhiều cá”. Ông vừa dứt lời khấn, thì mặt hồ rực sáng hào quang. Từ ngày khấn nguyện ấy, Ông lão kéo được rất nhiều cá, cuộc sống từ nghèo khổ trở nên sống đầy đủ. 

Dân làng thấy sự linh thiêng nên lập miếu thờ bên đầm, gọi là Miếu Đầm. Từ đấy Miếu gắn liền với tín ngưỡng dân gian, dân làng thờ cúng để cầu bình an, mưa thuận gió hòa. Chuyện đến tai vua Lê, nhà Vua cử quan văn về tế lễ và phong là Đông Hải đại vương. 

Kiến trúc Miếu Đầm:

Miếu Đầm có kiến trúc đơn sơ, không có tượng thần hay tượng Phật. Ban thờ chính hướng ra hồ nước, nằm dưới tán cây si cổ thụ, tạo nên không gian linh thiêng và gần gũi với thiên nhiên. Xung quanh miếu là những cây gạo cổ thụ và hành lang bao quanh, tạo nên cảnh quan thanh bình. Hằng năm, vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, người dân tổ chức lễ hội tại miếu để tưởng nhớ và cầu mong sự bình an, mưa thuận gió hòa.

Tâm linh tại Miếu Đầm Mễ Trì Điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hà Nội
Tâm linh tại Miếu Đầm Mễ Trì Điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hà Nội

 

Vào các ngày Rằm mùng 1 hàng tháng nhiều nhân viên văn phòng tại Vinhomes Westpoint đến dâng hương hoa thắp nhang
Vào các ngày Rằm mùng 1 hàng tháng nhiều nhân viên văn phòng tại Vinhomes Westpoint đến dâng hương hoa thắp nhang

Dù nằm giữa khu vực phát triển hiện đại, như cạnh khách sạn Marriott hotel, Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, miếu vẫn giữ được nét cổ kính, là một nơi không thể bỏ qua cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Hà Nội.

  • Phía trước miếu là 4 cột trụ lớn, được trang trí tinh xảo với các chi tiết chạm khắc hình rồng ở phía trên. Đây là biểu tượng linh thiêng, thường được sử dụng trong kiến trúc tâm linh Việt Nam để thể hiện sự bảo hộ và uy nghiêm.
  • Trên các cột có câu đối được khắc chìm, mang ý nghĩa tôn vinh và nhấn mạnh sự linh thiêng của miếu.

Khu vực chính điện:

  • Sau 4 trụ cột uy nghi là chính điện của miếu, nằm dưới tán cây cổ thụ. 
Khu vực trước chính điện có bàn thờ nhỏ với lư hương, được đặt trên nền đá sạch sẽ
Khu vực trước chính điện có bàn thờ nhỏ với lư hương, được đặt trên nền đá sạch sẽ

Tấm ảnh này mình chụp chi tiết vào phần mái ngói của Miếu Đầm, các viên ngói được sắp xếp đều đặn, các đầu đao ở góc có kiểu mái cong vút lên trời. Đây là nét đặc trưng của kiến trúc tâm linh truyền thống ngoài Bắc, cũng phải chăng thiết kế này cũng giảm áp lực từ gió lớn? Đầu đao được trang trí bằng hoa văn xoắn ốc, thể hiện sự tôn kính và uy nghiêm.

Dấu ấn thời gian:

  • Nhìn các viên ngói đã xuống màu theo thời gian, đây cũng là minh chứng cho dấu ấn lịch sử và sự lâu đời của Miếu Đầm. Đây cũng là minh chứng cho giá trị di sản văn hóa mà công trình này đã được công nhận Di tích cấp Tỉnh thành phố

Hòa hợp với Thiên nhiên:

Xung quanh Miếu đầm bao phủ cây cối xanh tươi, có hồ nước trong lành, giữa nơi sống hiện đại có cư dân nhiều người Hàn Quốc sinh sống, thì nơi đây là nơi yên bình nhất ở khu vực Mễ Trì, Nam Từ Liêm này.

Lời kết:

Các bạn hãy nhớ Đình, Miếu, Văn Miếu là những nơi thờ Thành Hoàng làng, thờ thần linh hoặc tổ tiên, đôi khi thờ Danh nhân hoặc các vị thần bản địa. Mỗi nơi đều mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa sâu sắc.

Ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long quê hương Uyên thì Miếu Bà Chúa Xứ tại An Giang là một địa danh rất linh thiêng xin tài lộc. Nơi đây, cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết về Bà. Cũng có những điều kiêng cữ khi đi Miếu khấn nguyện Bà.  

Nếu đến cúng xin mở đường Tài lộc, Công danh…bạn được thì hãy đến trả lễ. Nếu không, đến Miếu chỉ một tấm lòng, cầu bình an, tập trung cầu hướng thiện, giữ tâm thanh tịnh, không nên hứa hẹn hay thề thốt. 

” Đến Miếu chỉ một tấm lòng,

Cầu bình an, phúc, chẳng mong lợi nhiều.

Lời thề giữ vững, đừng liều,

Hứa sai không giữ, thần kiêu chẳng tha”

Chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, an yên, và lan tỏa duyên lành đến những người đọc bài viết này của Uyên. 

Xem thêm: Các điểm tham quan khác tại Hà Nội

LEAVE A REPLY